Muốn thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, bác sĩ thuộc lĩnh vực y tế dự phòng phải chiếm tỉ lệ từ 25%-30% nhân sự toàn ngành. Tuy nhiên, những năm qua, số cán bộ y tế công tác trong lĩnh vực này chỉ chiếm khoảng 12% tổng nhân lực toàn ngành.
Ngành y học dự phòng là cầu nối giữa y học và y tế công cộng. Trong khi y học quan tâm đến chẩn đoán và điều trị bệnh cho một cá thể thì y tế công cộng quan tâm nhiều hơn đến phòng bệnh và nâng cao sức khỏe cho cộng đồng. Mục tiêu hàng đầu của y tế dự phòng là nâng cao sức khỏe của cá nhân, gia đình và cả cộng đồng.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Bác sĩ y học dự phòng là người có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp để xác định, đề xuất và tham gia giải quyết các vấn đề cơ bản của sức khỏe cộng đồng; có khả năng tự học vươn lên để kịp thời đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe và phòng bệnh cho nhân dân.
Nhiệm vụ của bác sĩ y học dự phòng gồm: phát hiện, xác định và giám sát các vấn đề về sức khỏe có liên quan đến yếu tố môi trường, tác hại nghề nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm; dự báo kiểm soát và khống chế được các bệnh dịch nguy hiểm, các tác nhân truyền nhiễm gây dịch, nhất là ở các ổ dịch bệnh mới phát sinh; phòng chống các dịch bệnh không lây nhiễm; xây dựng kế hoạch hoạt động chuyên môn về y tế dự phòng như phòng chống các bệnh xã hội, quản lý các chương trình y tế, truyền thông giáo dục sức khỏe cho nhân dân; tham gia quản lý, chăm sóc bệnh nhân tại cộng đồng (các bệnh mạn tính, bệnh nghề nghiệp, bệnh xã hội và phục hồi chức năng); xử trí một số trường hợp cấp cứu và điều trị một số bệnh thông thường…
Ở các nước phát triển, chương trình đào tạo bác sĩ y học dự phòng tiếp theo sau chương trình đào tạo bác sĩ đa khoa (sau ĐH). Nhưng ở nước ta do hạn chế nguồn nhân lực y tế, chương trình đào tạo bác sĩ y học dự phòng là chương trình đào tạo trong ĐH, có thời gian đào tạo là 6 năm, trong đó 4 năm đầu học chương trình như sinh viên y đa khoa, 2 năm sau học chuyên ngành y học dự phòng.
Trong một buổi làm việc với UBND TP HCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: Phòng bệnh bao giờ cũng hơn chữa bệnh, phát triển lĩnh vực dự phòng cần phải được xem là khâu then chốt.
Được tham gia khám chữa bệnh
Có thể nói, việc trở thành bác sĩ là ước ao của nhiều người nhưng không phải ai cũng đủ năng lực để học ngành này và cũng không có nhiều trường ĐH đào tạo.
Muốn thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, bác sĩ thuộc lĩnh vực y tế dự phòng phải chiếm tỉ lệ từ 25%-30% nhân sự toàn ngành. Tuy nhiên, những năm qua, số cán bộ y tế công tác trong lĩnh vực dự phòng chỉ chiếm khoảng 12% tổng nhân lực toàn ngành. Để bổ sung đủ nhân lực cho y học dự phòng chỉ có cách duy nhất là tập trung đầu tư, mở rộng mạng lưới các trường ĐH, cao đẳng, trung cấp đào tạo khối ngành sức khỏe trên toàn quốc. Hiện nay, khu vực phía Nam chỉ có một số trường như ĐH Y Dược TP HCM, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cung cấp bác sĩ y học dự phòng trình độ ĐH với số lượng có hạn chủ yếu tập trung làm việc tại các trung tâm dự phòng ở khu vực TP HCM.
Theo các chuyên gia, trước đây, bác sĩ thuộc lĩnh vực dự phòng không được phép tham gia khám chữa bệnh. Thu nhập thấp khiến đời sống của nguồn nhân lực khối y tế dự phòng gặp nhiều khó khăn hơn so với khối bác sĩ điều trị, điều này dẫn đến hệ lụy nhiều năm qua nguồn nhân sự của y tế dự phòng luôn trong tình trạng thiếu hụt. Nhưng từ cuối năm 2014, tại
TP HCM, bác sĩ hoạt động trong lĩnh vực y tế dự phòng được tham gia khám chữa bệnh. Thành phố cũng chú trọng chăm sóc cho y tế dự phòng về chế độ chính sách, tăng cường trang thiết bị, đội ngũ, thực hiện theo mô hình bác sĩ gia đình; bổ sung chức năng khám bệnh bảo hiểm cho y tế tuyến dự phòng.