Chuyện nghề của những bác sĩ chữa bệnh “tâm thần”

“Niềm vui của bệnh nhân khi tâm lý và sức khỏe dần ổn định là món quà vô giá mà chúng tôi luôn mong muốn nhận được, không chỉ trong ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 mà còn là tất cả các ngày trong năm”. Đó là mong ước giản dị nhưng tràn đầy ý nghĩa nhân văn của các y, bác sĩ và điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng, phục hồi chức năng tâm thần Việt Trì.

tham-hoi.jpg
Niềm vui của các y, bác sĩ khi bệnh nhân dần ổn định về tâm lý và sức khỏe

Thế giới thu nhỏ của những bệnh nhân “tâm thần” 

Trung tâm Điều dưỡng, phục hồi chức năng tâm thần Việt Trì hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị cho hơn 300 bệnh nhân với các dạng bệnh lý như: Tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, rối loạn tâm thần do sử dụng rượu, ma túy… Trong những năm qua, các y, bác sĩ và điều dưỡng nơi đây đã nỗ lực cố gắng, vượt lên mọi vất vả khó khăn và cả sự hiểm nguy để chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, giúp họ dần trở lại cuộc sống bình thường.

Tâm sự chuyện nghề, bác sĩ Hán Ngọc Đức – Trưởng Khoa Điều trị bệnh nhân nặng – người đã có gần 40 năm gắn bó với thế giới của những bệnh nhân “tâm thần” cho biết: Thời gian đầu khi mới vào điều trị ở trung tâm, đa số bệnh nhân có biểu hiện hoảng loạn, la hét, đập phá… Do kinh tế gia đình eo hẹp nên khi bệnh chuyển nặng, nhiều người mới được người thân đưa đến đây. Trong quá trình điều trị, có bệnh nhân không ý thức được hành vi của mình nên thường bỏ ăn, không uống thuốc, không cho khám bệnh. Ở đây, chuyện bác sĩ bị bệnh nhân giật kính, ống nghe, thậm chí bị lăng mạ, đuổi đánh xảy ra thường xuyên.

Thực tế đã có không ít nhân viên y tế của trung tâm bị chấn thương trong quá trình điều trị cho bệnh nhân. Bác sĩ Hoàng Anh Dũng – Khoa Phục hồi chức năng bệnh nhân nam tâm sự: “Có nhiều trường hợp bệnh nhân nam khi bệnh tình tái phát luôn nghĩ chúng tôi là người xấu nên đã đuổi đánh. Bởi thế, việc các bác sĩ ở đây bị sứt đầu mẻ trán, gãy chân, gãy tay là chuyện bình thường”.

bsi-Dũng.jpg
Bác sĩ Hoàng Anh Dũng (người đứng giữa) ân cần thăm hỏi, động viên người bệnh

Khó khăn đối với bác sĩ nam là vậy, đối với các y, bác sĩ và điều dưỡng nữ thì khó khăn còn tăng lên gấp bội. Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Phương trải lòng: “Khi mới nhận công tác ở trung tâm, tôi chưa có nhiều kinh nghiệm lâm sàng, lại là nữ nên việc tiếp xúc và điều trị cho bệnh nhân còn hạn chế. Chuyện khó khăn nhất và cũng dở khóc, dở cười nhất là khi bệnh nhân nam có hành động quá khích đối với bác sĩ, điều dưỡng nữ. Khi đó, chị em chúng tôi vừa phải tìm mọi cách để xoa dịu, ổn định tâm lý cho bệnh nhân, vừa để “giải vây” cho mình”.

Một trong những nhiệm vụ gian nan, vất vả của đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ nơi đây là quản lý và đảm bảo an toàn tính mạng cho bệnh nhân. Với bệnh nhân trầm cảm, họ thường nung nấu hành vi tự sát và bỏ trốn. Bởi vậy, trung tâm luôn cắt cử, phân công cán bộ, bác sĩ trực 24/24 giờ, 7 ngày/tuần; đồng thời nắm bắt tâm tư tình cảm và các biểu hiện của người bệnh để có phác đồ điều trị kịp thời.

Nơi lan tỏa tình người ấm áp

Bác sĩ Hán Ngọc Đức tâm sự: “Nhiều năm trong nghề, từng chăm sóc hàng trăm bệnh nhân, bản thân tôi rất đồng cảm với nỗi bất hạnh của họ và nỗi buồn của gia đình người bệnh. Cũng có nhiều người bệnh bị gia đình bỏ rơi, cộng đồng xa lánh, không ai quan tâm, chăm sóc. Bởi thế mà dù đã bao lần tôi và đồng nghiệp bị bệnh nhân chửi mắng, hành hung nhưng chính những thời điểm ấy tự trong lòng lại thấy cảm thương họ hơn bao giờ hết”.

Cảm nhận được tấm lòng của những người thầy thuốc nơi đây, nhiều bệnh nhân và gia đình bệnh nhân đã không giấu được sự xúc động và biết ơn. Từ lâu, Trung tâm Điều dưỡng, phục hồi chức năng tâm thần Việt Trì đã trở thành ngôi nhà thứ hai của mẹ con chị Lại Thị Thủy (quê ở xã Phương Xá, huyện Cẩm Khê). Chị Thủy tâm sự: “Trước kia, tôi thường hát múa lung tung, chạy quanh nhà rồi đốt cả ngôi nhà mà gia đình đang ở. Nỗi buồn đau nối tiếp khi người con trai cả của tôi cũng không may mắc căn bệnh này. Vậy là cả 2 mẹ con được vào đây điều trị. Hiện bệnh tình của 2 mẹ con tôi đã thuyên giảm, sức khỏe dần ổn định. Nếu không có sự quan tâm chăm sóc chu đáo, tận tình của các y bác sĩ thì mẹ con tôi không thể có được ngày hôm nay. Giờ không có nhà để về, họ hàng anh em cũng ngại tiếp xúc nên mẹ con tôi mong muốn gắn bó lâu dài ở đây”.

BN-Nam.jpg
Anh Nguyễn Quang Nam (ngoài cùng bên phải) mong muốn sớm bình phục để trở về với gia đình

Khác với mẹ con chị Thủy, anh Nguyễn Quang Nam (tỉnh Yên Bái) lại mong muốn nhanh chóng bình phục để trở về với gia đình. Anh Nam cho biết: “Trước đây, tôi từng đi khám và điều trị ở nhiều nơi song thực sự chưa có nơi nào mà bác sĩ lại quan tâm, chăm sóc bệnh nhân chu đáo như ở đây. Các bác sĩ như người nhà của chúng tôi, chăm lo cho chúng tôi từng bữa ăn, giấc ngủ và ngay cả chuyện vệ sinh cá nhân; tâm sự chia sẻ những tâm tư tình cảm và mong muốn của chúng tôi. Giờ tôi chỉ mong mau khỏi để về với vợ con, tìm kiếm một công việc ổn định để đảm bảo cuộc sống gia đình”. 

“Tôi có con gái mắc bệnh tâm thần phân liệt gần 20 năm nay. Gia đình phải nhiều lần nhốt cháu lại để đề phòng gây tai vạ cho người xung quanh. Hoàn cảnh gia đình lại khó khăn, không có điều kiện để trông nom, chăm sóc cháu. Khi được các bác sĩ của Trung tâm Điều dưỡng, phục hồi chức năng tâm thần Việt Trì tư vấn, tôi quyết định gửi cháu đến đây điều trị. Hy vọng với chuyên môn và tấm lòng của các y bác sĩ, con gái tôi sẽ mau chóng khỏi bệnh” – bà Nguyễn Thị Vạn ở phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì chia sẻ.

an-com.jpg
Bác sĩ chăm sóc từng bữa ăn cho bệnh nhân

Bác sĩ chuyên khoa I Lương Ngọc Cương – Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng, phục hồi chức năng tâm thần Việt Trì cho biết: Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, ngoài yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ thì yếu tố tâm lý chiếm hơn 50%. Đôi khi các bác sĩ phải “hóa thân” thành người bệnh để cùng nói, cười, tâm sự, dỗ dành họ ăn, uống thuốc… Do đặc thù công việc như vậy nên nhiều năm qua, ít có bác sĩ mới về làm việc tại đây. Cũng có trường hợp cán bộ xin chuyển nơi khác, một phần vì áp lực công việc và những lời dị nghị là bác sĩ “tâm thần”. Chỉ những ai can đảm, yêu nghề và có trái tim đồng cảm với bệnh nhân thì mới bám trụ được ở đây”.

Khắc ghi lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”, những người thầy thuốc nơi đây luôn mang trong mình một trái tim yêu thương với tình thần trách nhiệm và lòng yêu nghề hơn bao giờ hết. Ở nơi mà người ta vẫn thường gọi là thế giới của những “người điên” thì tình người ấm áp vẫn luôn lan tỏa mạnh mẽ, để “người điên” có thêm cơ hội trở về với cuộc sống đời thường.

Chia sẻ ngay trên các MXH sau để tạo tín hiệu tốt cho bài viết :)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *