Học xong, cử nhân Tâm lý học có cơ hội nghề nghiệp đa dạng như huấn luyện, đào tạo, tham vấn, cố vấn chuyên môn, nghiên cứu, giảng dạy…
Là ngành khoa học có tuổi đời non trẻ so với các ngành khoa học khác tại Việt Nam, Tâm lý học không tránh khỏi những quan điểm ngộ nhận. Đối với nhiều người, đây là một lĩnh vực có phần thần bí, đôi khi mơ hồ, cảm tính. Một số khác thì cho rằng, những tâm lý gia có thể đọc được suy nghĩ, thậm chí điều khiển được người khác. Số khác nữa thì nghĩ rằng, việc tìm hiểu tâm lý con người để thay đổi hành vi và cách ứng xử của họ là chuyện không thể…
Trên thực tế, Tâm lý học là một lĩnh vực khoa học nghiên cứu về kinh nghiệm, hành vi của con người thông qua những biểu hiện về tâm lý. Những ứng dụng của nó được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của đời sống như kinh tế, chính trị, xã hội, y tế, giáo dục…
Tuy nhiên, không ít bạn trẻ và phụ huynh còn khá e ngại khi chọn học Tâm lý vì cho rằng ngành này hạn chế việc làm sau khi ra trường.
Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM, từ nay đến năm 2020, thành phố cần trên 1.000 vị trí nhân sự ngành tâm lý mỗi năm cho các tổ chức giáo dục, y tế, và các doanh nghiệp…
Ngoài ra, với những lĩnh vực chuyên môn như tâm lý lâm sàng, tham vấn – trị liệu, tham vấn học đường, tâm lý giáo dục, tâm lý tổ chức – nhân sự… cử nhân có cơ hội nghề nghiệp đa dạng như huấn luyện, đào tạo, tham vấn, cố vấn chuyên môn, nghiên cứu, giảng dạy…
Nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội về ngành này, Đại học Hoa Sen vừa thành lập Bộ môn Tâm lý học ứng dụng thuộc Khoa Khoa học Xã hội – Nhân văn và đào tạo những khóa đầu tiên.
Theo đó, trường sẽ tập trung vào việc phát triển nguồn nhân lực tâm lý chất lượng cao, có năng lực chuyên môn toàn diện và hướng đến mục tiêu giúp sinh viên có ưu thế cạnh tranh nghề nghiệp ở cấp độ khu vực. Sinh viên có cơ hội ứng dụng, thực hành kiến thức bằng cách tiếp xúc thực tế tại phòng thực hành tâm lý của trường, các cơ sở ý tế, học đường, doanh nghiệp và giao lưu văn hóa, thực tập tại nước ngoài…