Không thể phủ nhận một thực tế đang diễn ra, đó là bệnh tâm thần có xu hướng gia tăng trong xã hội hiện đại trong khi thiếu bác sĩ trong lĩnh vực này. Năm học 2013 – 2014, lần đầu tiên ngành học này được miễn học phí tại các cơ sở đào tạo với hy vọng giải quyết nhân lực trong lương lai.
Bệnh nhân quá tải
Khái niệm tâm thần hiện vẫn còn chưa rõ ràng. Do hiểu mơ hồ về căn bệnh này nên xã hội vẫn rất kỳ thị với những người không may mắc bệnh. Theo bác sĩ Lý Trần Tình – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội: “Khoảng 20% dân số Việt Nam đang mắc 1 trong 10 loại bệnh tâm lý, tâm thần thường gặp, trong đó các rối loạn tâm thần liên quan đến vấn đề xã hội, trầm cảm do căng thẳng đang ngày càng gia tăng. Đặc biệt, trong số các bệnh nhân có dấu hiệu tâm thần vào viện khám và điều trị có tới hơn 45% ở độ tuổi 30”.
Trong khi đó, số bác sĩ tại các bệnh viện tâm thần đang thiếu hụt. Chỉ đơn cử năm 2014, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội tiếp nhận 4.000 lượt bệnh nhân nội trú và 20.000 lượt bệnh nhân ngoại trú trên địa bàn và một số tỉnh lân cận. Tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội có 38 bác sĩ trong khi nhu cầu đòi hỏi gấp đôi lực lượng thầy thuốc hiện có.
Theo bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, việc điều trị cho bệnh nhân tâm thần hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Đó là khó khăn trong việc thu hút nguồn nhân lực; thiếu cơ sở chuyên khoa tâm thần chuyên biệt để điều trị cho bệnh nhân nội trú, ngoại trú; khó khăn trong xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử của xã hội đối với người bệnh cũng như trở ngại trong việc hồi phục và tái hòa nhập cộng đồng… Chính sách thu hút đối với cán bộ chuyên khoa tâm thần hiện còn nhiều bất cập. Thu nhập thấp trong khi phải làm việc vất vả nên việc tuyển dụng bác sĩ vào các cơ sở khám, chữa bệnh chuyên khoa tâm thần là rất khó khăn, đặc biệt là ở tuyến tỉnh. Hiện nay, nhiều bệnh viện tâm thần tuyến tỉnh vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu bác sĩ chuyên khoa.
Tại hội nghị tổng kết chuyên khoa đầu ngành tâm thần mới đây, các giám đốc bệnh viện đã phải “than thở” sự thiếu hụt nhân lực. Sự thiếu hụt nhân lực ngay từ khâu đào tạo. Trước đây Đại học Y có đào tạo chuyên khoa tâm thần nhưng hiện đào tạo đa khoa, cho nên bác sĩ chuyên khoa tâm thần rất thiếu. Ngay tại các viện Trung ương dù mở tuyển nhưng vẫn thiếu bác sĩ. Tuyến trung ương đã thiếu, tuyến dưới tình trạng này còn trầm trọng hơn. BV tâm thần tuyến tỉnh thiếu nhân lực phải sử dụng y sĩ khám, chữa bệnh. Chưa kể, nhiều bác sĩ tốt nghiệp đa khoa không hề được đào tạo chuyên sâu về tâm thần nên chính họ cũng không hiểu nhiều về bệnh này.
Hiểu sai về “bệnh nhân tâm thần”
Theo các chuyên gia, tâm thần là tên gọi chung của 300 mã bệnh liên quan đến các bệnh lý về thần kinh của con người, trong đó tâm thần phân liệt đáng chú ý nhất, bởi đây là thể nặng nhất. Người mắc thường bị hoang tưởng, ảo giác, kích động…, nếu không có biện pháp quản lý, điều trị thì mức độ nguy hiểm cho gia đình, xã hội rất lớn.
Bác sĩ La Đức Cường cho biết: “Nói đến bệnh tâm thần người ta nghĩ ngay đến những người bị điên, những người thường la hét, nói lảm nhảm, cười vu vơ, cài hoa lá lên đầu… Đây là quan niệm sai lầm. Sức khỏe tâm thần một phần song hành với sức khỏe con người, còn bệnh tâm thần chỉ trạng thái không còn bình thường về sức khỏe tâm thần, cần sự chăm sóc y tế. Do đó, những rối loạn tâm thần nếu không được phát hiện sẽ phát triển thành bệnh tâm thần”.
Theo giải thích của bác sĩ La Đức Cương, ngoài những ca tâm thần bẩm sinh (bại não, động kinh), còn có những ca rối loạn tâm thần vì cú sốc tâm lý. Những ca này nếu được can thiệp sớm có thể phục hồi và trở lại cuộc sống bình thường. Dấu hiệu báo trước của một số bệnh tâm thần có thể kể đến như: Buồn rầu, bi quan, mất tự tin, cảm thấy bất lực trước công việc hàng ngày, mất ngủ hay rối loạn giấc ngủ, lo âu, bồn chồn đứng ngồi không yên, không chú ý đến vệ sinh cá nhân, từ chối ăn uống. Ngoài ra, những người cảm xúc không ổn định, khóc cười vô duyên cớ, nói lẩm bẩm một mình, cười một mình, ngại tiếp xúc với mọi người, ngồi một mình trong phòng kín, đập phá đồ đạc hoặc tấn công người khác mà không rõ nguyên nhân, hốt hoảng khi phải đi ra ngoài một mình hoặc không dám đi ra ngoài một mình… cũng báo hiệu biểu hiện tâm thần.
Trước những khó khăn về nhân lực cũng như sự gia tăng bệnh nhân tâm thần, PGS.TS. Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng: “Ngành y tế đang phải đối mặt với áp lực từ các bệnh không lây nhiễm, trong đó có các bệnh về sức khỏe tâm thần. Việc thiếu hụt cán bộ y tế chuyên ngành tâm thần đã khiến công tác chăm sóc, quản lý và điều trị bệnh nhân gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc xây dựng chiến lược quốc gia về sức khỏe tâm thần nhằm đưa ra các định hướng phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần một cách toàn diện là việc làm cần thiết. Bên cạnh đó, cần có cơ sở lập kế hoạch phát triển nguồn lực; phát triển các dịch vụ y tế và bảo trợ xã hội, hướng tới xây dựng hệ thống luật pháp đầy đủ, mạnh mẽ về sức khỏe tâm thần”.