Khan hiếm bác sỹ chuyên khoa y học cổ truyền ở cả tuyến trung ương

” Hiện nay y học cổ truyền vẫn còn phát triển kiêm tốn trong cung cấp kiến thức cho người dân, truyền thông thành tựu đạt được và hợp tác quốc tế. Ngay cả tuyến trung ương, bác sĩ chuyên khoa với ngành y học cổ truyền còn rất khan hiếm ” – Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội thảo Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 24 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về phát triển nền Đông Y Việt Nam và Hội Đông Y Việt Nam trong tình hình mới”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết”: Trong 10 năm qua việc thực hiện Chỉ thị đã đạt được một số thành tựu, tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, công tác y dược cổ truyền vẫn còn có khó khăn và hạn chế nhất định như về nhân lực, cơ chế chính sách, các văn bản quy định…

Ở tuyến tỉnh, thậm chí tuyến trung ương bác sĩ chuyên khoa với ngành y học cổ truyền còn rất khan hiếm. Tỷ lệ khám chữa bệnh y học cổ truyền (YHCT) kết hợp với y học hiện đại ở các tuyến chưa đạt với chỉ tiêu, Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định.

Theo cáo cáo của Bộ Y tế, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 24, hệ thống chăm sóc sức khỏe y dược cổ truyền được mở rộng và phát triển ở tất cả các tuyến. Đến 2018, tổng số bệnh viện YHCT tuyến tỉnh là 58/63 (3 tỉnh có 2 bệnh viện và 7 tỉnh chưa có bệnh viện YHCT). Hệ thống khoa và tổ YHCT trong bệnh viện đa khoa hoặc chuyên khoa tuyến tỉnh tăng lên 82,3%; tuyến huyện tăng lên 93,13% vào năm 2017.

Tại tuyến y tế cơ sở, tỷ lệ các trạm y tế xã triển khai khám chữa bệnh YHCT tăng 23,99% so với năm 2008. Tỷ lệ các xã đã triển khai khám chữa bệnh YHCT được thanh toán BHYT đạt 70,18%, các trạm y tế xã có vườn thuốc mẫu đạt 88,87%.

“Số lượng nhân lực làm công tác y dược cổ truyền ở tất cả các tuyến tăng, song tỷ lệ so với nhân lực chung của ngành y tế giảm, từ 7,94% vào năm 2013 giảm xuống 7,32% vào năm 2017. Tỷ lệ nhân lực YHCT có trình độ chuyên sâu đến năm 2017 đạt 5,69% so với nhân lực y tế nói chung”, PGS-TS. Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền, Bộ Y tế cho biết.

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực YHCT vẫn còn chồng chéo về quản lý nhà nước. Bộ Y tế quản lý về thuốc dược liệu, Bộ Nông nghiệp quản lý nuôi trồng cây thuốc và Bộ Công Thương quản lý việc buôn bán, xuất nhập khẩu dược liệu cho lĩnh vực thuốc…

Hiện chưa có quy định quản lý những người kinh doanh, mua bán dược liệu, vị thuốc cổ truyền tự do do chưa được cấp phép, hoặc hoạt động theo truyền nghề, không qua đào tạo; do đặc thù của những người làm nghề truyền từ đời này qua đời khác.

Các văn bản quy phạm pháp luật về việc bố trí vốn cho y dược cổ truyền cũng gặp khó khăn do khủng hoảng kinh tế. Số bệnh viện đầu tư cho kinh cho xây dựng còn khiêm tốn, tỷ lệ kinh phí chung chi thực tế chỉ đạt 4,3% so với quyết định giao ngân sách từ Trung ương, ngân sách địa phương đạt 18,14% và từ nguồn ngân sách khác đạt 2,52.

Đồng thời, chưa có cơ chế tài chính đặc thù cho các bệnh viện YHCT trong việc thực hiện cơ chế tự chủ, thanh toán BHYT trong việc liên thông BHYT. Kinh phí chi cho mua dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền ở cả hệ thống bệnh viện YHCT và khoa YHCT trong các bệnh viện đa khoa ở 55 tỉnh, TP chỉ tương đương kinh phí mua thuốc của một bệnh viện đa khoa tuyến trung ương.

Chia sẻ ngay trên các MXH sau để tạo tín hiệu tốt cho bài viết :)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *